Vượt tầm kiểm soát
Báo cáo của Dịch vụ Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) do EU tài trợ cho biết, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đã tạm thời vượt ngưỡng 1,5 độ C và nhiệt độ nước biển cũng phá kỷ lục của 2 tháng trước đó.
Theo các chuyên gia khí hậu, mục tiêu duy trì sự nóng lên toàn cầu trong dài hạn ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) đang vượt quá tầm kiểm soát, với việc các quốc gia không thể đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng hơn bất chấp nhiều tháng nắng nóng kỷ lục trên đất liền và biển.
Sarah Perkins-Kirkpatrick, nhà khí hậu học tại Đại học New South Wales của Úc, cho biết: "Chúng ta đã hết thời gian vì thay đổi cần có thời gian".
Khi các đặc phái viên về khí hậu từ hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới chuẩn bị gặp nhau vào tháng tới, nhiệt độ đã phá vỡ kỷ lục của tháng 6 tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và những đợt nắng nóng khắc nghiệt đã tấn công nước Mỹ.
Các khu vực của Bắc Mỹ cao hơn khoảng 10 độ C so với mức trung bình theo mùa trong tháng này và khói từ các đám cháy rừng bao phủ Canada và Bờ Đông nước Mỹ trong sương mù nguy hiểm, với lượng khí thải carbon ước tính ở mức kỷ lục 160 triệu tấn.
Ở Ấn Độ, một trong những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu nhất, số ca tử vong được báo cáo là tăng đột biến do nhiệt độ cao kéo dài. Và nắng nóng khắc nghiệt đã được ghi nhận ở Tây Ban Nha, Iran và Việt Nam, làm dấy lên lo ngại rằng mùa hè khắc nghiệt năm ngoái có thể trở thành thường lệ.
Trước đó, World Weather Attribution (WWA), liên minh các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu thời tiết thế giới, hồi tháng 5 công bố báo cáo cho thấy Đông Nam Á vừa trải qua đợt nắng nóng dữ dội nhất trong 200 năm qua, hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra. Thái Lan ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử với mức nhiệt 45,4 độ C ngày 15.4, trong khi nhiệt độ ở Lào duy trì mức 43,5 độ C liên tục trong hai ngày tháng 5, còn kỷ lục nắng nóng ở Việt Nam cũng bị phá vỡ hồi đầu tháng 5 với mức nhiệt 44,2 độ C tại Tương Dương, Nghệ An.
Các quốc gia đã đồng ý tại Paris vào năm 2015 để cố gắng giữ mức tăng nhiệt độ trung bình dài hạn trong khoảng 1,5 độ C. Nhưng theo dự đoán của Tổ chức Khí tượng thế giới vào tháng trước, hiện có 66% khả năng nhiệt độ trung bình hàng năm sẽ vượt ngưỡng 1,5 độ C trong ít nhất một năm từ nay đến năm 2027.
Đợt nắng nóng dài nhất từ đầu năm: Nền nhiệt ban đêm cao, nóng khó chịu
Thời tiết khắc nghiệt gia tăng
Nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu đạt 21 độ C vào cuối tháng 3 và duy trì ở mức kỷ lục trong năm trong suốt tháng 4 và tháng 5. Cơ quan thời tiết Úc cảnh báo nhiệt độ nước biển ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương có thể ấm hơn 3 độ C so với bình thường vào tháng 10.
Piers Forster, giáo sư vật lý khí hậu tại Đại học Leeds, cho biết sự nóng lên toàn cầu là yếu tố chính, nhưng El Nino, sự suy giảm bụi sa mạc Sahara thổi qua đại dương và việc sử dụng nhiên liệu vận chuyển có hàm lượng lưu huỳnh thấp cũng là nguyên nhân. "Vì vậy, nhìn chung, các đại dương đang bị ảnh hưởng bởi một cú va chạm gấp bốn lần. Đó là một dấu hiệu của những điều sắp xảy ra", ông nói.
Hàng nghìn con cá chết dạt vào các bãi biển ở Texas và hiện tượng tảo nở hoa do nắng nóng cũng được cho là nguyên nhân giết chết sư tử biển và cá heo ở California.
Annalisa Bracco, nhà khí hậu học tại Viện Công nghệ Georgia, cho biết biển ấm hơn cũng có nghĩa là ít gió và mưa hơn, tạo ra một vòng luẩn quẩn dẫn đến nhiệt độ thậm chí còn cao hơn.
Bà cho biết, mặc dù nhiệt độ nước biển cao trong năm nay là do "sự kết hợp hoàn hảo" của các hoàn cảnh gây ra, nhưng tác động sinh thái có thể kéo dài: "Đại dương sẽ có phản ứng rất chậm vì nó tích tụ (nhiệt) từ từ nhưng cũng giữ nhiệt rất lâu".
Theo các chuyên gia về khí hậu mức độ và tần suất của thời tiết khắc nghiệt đang gia tăng, và năm nay cũng chứng kiến những đợt hạn hán nghiêm trọng trên khắp thế giới, cũng như một cơn lốc xoáy hiếm gặp và chết người ở Châu Phi.
Tuy nhiên, Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Toàn cầu đã cảnh báo về sự thiếu động lực đáng lo ngại trong các cuộc đàm phán về khí hậu ở Bonn (Đức) trong tháng này, với rất ít tiến bộ đạt được đối với các vấn đề chính như nhiên liệu hóa thạch và tài chính trước các cuộc đàm phán về khí hậu COP28 vào tháng 11 ở Dubai.